Nước tiểu và độ PH trong nước tiểu
Nước tiểu là một chất lỏng được bài xuất bởi thận, qua các quá trình tái hấp thu các chất ở các ống lượn sẽ được tích trữ tại bàng quang. Khi lượng nước tiểu đạt ngưỡng nhất định trong bàng quang sẽ gây cảm giác muốn tiểu và sau đó được bài tiết ra ngoài thông qua đường niệu đạo.
Thành phần nước tiểu gồm nước, muối và các chất hòa tan. Chỉ số pH nước tiểu phản ánh sự cân bằng của các chất này.
– Bình thường ở người khỏe mạnh pH nước tiểu trong khoảng 5.5 – 7.5, giá trị trung bình khoảng 6.0.
– Nếu chỉ số pH dưới 5.5 là nước tiểu có tính acid và pH trên 7.5 là nước tiểu có tính kiềm.
Đánh giá chỉ số pH nước tiểu acid hay kiềm phụ thuộc vào nồng độ ion H+ trong nước tiểu. Duy trì cân bằng pH nước tiểu cũng là duy trì pH trong cơ thể.
Nguyên nhân làm thay đổi chỉ số pH nước tiểu trong cơ thể
Có nhiều nguyên nhân sẽ làm thay đổi pH nước tiểu, khiến cho pH nước tiểu có tính acid hoặc có tính kiềm.
– pH trong nước tiểu có tính acid gặp trong các trường hợp:
- Tiêu chảy, nôn nhiều.
- Nhịn đói lâu ngày, thiếu chất trầm trọng.
- Suy thận cấp .
- Biến chứng của tiểu đường: nhiễm ketoacidosis.
- Bệnh nhân hen nặng hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do ứ CO2.
- Do chế độ ăn: một số thức ăn khi ăn nhiều làm pH acid là: cá, thực phẩm giàu đạm, lúa mì, thực phẩm có nhiều đường.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận mạn, viêm bàng quang,…
– pH trong nước tiểu có tính kiềm gặp trong các trường hợp sau:
- Sỏi thận, suy thận mạn, rối loạn chức năng thận.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Nôn nhiều làm thay đổi nồng độ các ion trong máu ảnh hưởng đến giá trị pH này.
- Chế độ ăn: một số thực phẩm có tính kiềm là: rau, các loại trái cây, hạt khô.
Để đảm bảo có một cơ thể khỏe mạnh hãy lựa chọn cho mình chế độ ăn uống hợp lý, đừng quên luyện tập thể thao hàng ngày và định kỳ hãy đi khám sức khỏe cũng như đo chỉ số pH trong nước tiểu tại các trung tâm y tế để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh gây tổn hại cho sức khỏe bạn nhé!