Bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào, có nguy hiểm không?

Vào mùa cao điểm của dịch, sốt xuất huyết bùng phát nhanh và lan rộng, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Biết được bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào sẽ giúp bạn có những phương án phòng bệnh hiệu quả.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra và có thể lây lan nhanh chóng trở thành dịch bệnh lớn. Virus Dengue thuộc chi Flavivirus gồm 4 típ được ký hiệu lần lượt là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ này đều có thể gây bệnh và do 4 típ này đều không có miễn dịch chéo nên tức là 1 người bị mắc 1 trong 4 típ thì vẫn có thể mắc lại do các típ khác gây ra, thậm chí lần sau mắc còn nặng hơn lần trước. Như vậy, mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, nhưng con số này rất ít, chỉ gặp các bệnh nhân mắc 2-3 lần. 

Sốt xuất huyết thường gặp ở các nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa tại các vùng có điều kiện vệ sinh môi trường kém, nhiều ao tù nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn gây bệnh. 

Sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền virus Dengue
Sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền virus Dengue cho con người

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết là gì?

Nếu có các triệu chứng dưới đây thì bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sỹ để biết chính xác tình trạng bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp nếu mắc bệnh.

Sốt cao

Triệu chứng đầu tiên của bệnh chính là sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền. Kèm theo đó là các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, phát ban. 

Xuất huyết

Là tình trạng trên da có những chấm nhỏ màu đỏ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị xuất huyết ở niêm mạc. Phụ nữ khi bị sốt xuất huyết thì kinh nguyệt có thể đến sớm hơn bình thường, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn. Một vài ngày sau sốt có thể gặp hiện tượng chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu. 

Trong trường hợp bị nặng có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa, biểu hiện như nôn ra máu hoặc liên quan đến thần kinh như đau cơ, đau khớp.

Triệu chứng sốt xuất huyết
Một trong những triệu chứng của sốt xuất huyết là trên da có những chấm đỏ

Sốc

Đây là triệu chứng cuối cùng và nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Tình trạng này xuất hiện vào ngày thứ 3 hoặc thứ 6 của chu kỳ bệnh. Tình trạng sốc có thể thường xuất hiện khi người bệnh đang sốt cao đột ngột chuyển sang hết sốt, nhưng lại mệt mỏi li bì, chân tay lạnh, đi tiểu ít, có thể kèm theo nôn hoặc đi đại tiện ra máu. Khi bị sốc sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng nếu không tới bệnh viện kịp thời thì rất dễ tử vong.

Điều trị bệnh như thế nào?

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có vacxin phòng tránh và vì thế chúng ta không nên chủ quan mà cần phải theo dõi để phát hiện bệnh và có phương án xử lý kịp thời. Điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh, giúp giảm sốt, giảm đau, ngăn chặn tình trạng mất nước. 

Thuốc hạ sốt được dùng là loại không ảnh hưởng đến dạ dày và không làm tăng nguy cơ chảy máu, an toàn và được sử dụng phổ biến hiện nay là paracetamol, liều lượng và cách dùng theo chỉ định của bác sĩ, thông thường, paracetamol được dùng 4 lần/ngày khi bệnh nhân có sốt, kết hợp với chườm nước nóng nếu bệnh nhân sốt quá cao (trên 39 độ C).

Người bệnh sốt xuất huyết không được sử dụng thuốc aspirin và những loại thuốc chống viêm không steroid khác như ibuprofen, naproxene, diclofenac… Những thuốc này có tác dụng hạ sốt, giảm đau, nhưng có tác dụng phụ là kéo dài thời gian chảy máu, gây xuất huyết dưới da do ức chế ngưng kết tiểu cầu. Đây là điều tối kỵ đối với người nhiễm sốt xuất huyết, vì bệnh này có thể gây ra hiện tượng xuất huyết ngoài da, xuất huyết niêm mạc, và xuất huyết tiêu hóa.

Những trường hợp bị sốt xuất huyết nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, uống thuốc hạ sốt và được bác sĩ yêu cầu đến xét nghiệm máu hàng ngày.

Nếu ở mức độ nặng, bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.

Sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Nhiều người vẫn nghĩ sốt xuất huyết có thể lây từ người này sang người kia qua đường hô hấp hoặc đường tình dục. Nhưng thực tế sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm virus Dengue không triệu chứng, sau đó đốt lại người khỏe mạnh thì sẽ truyền virus gây bệnh làm cho người khỏe mạnh cũng bị nhiễm bệnh. 

Ngoài ra virus còn truyền sang trứng muỗi. Tức là một cá thể muỗi mang virus khi đẻ trứng nở thành loăng quăng lột xác thành muỗi thế hệ con. Và những con muỗi này khi đi đốt người sẽ truyền virus gây nên sốt xuất huyết. 

Như vậy bạn luôn cần chủ động để phòng tránh sốt xuất huyết cho bản thân và mọi người xung quanh. 

Sốt xuất huyết lây như thế nào
Sốt xuất huyết lây qua muỗi Aedes đốt người mắc bệnh sau đó đốt lại người khỏe mạnh

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Phòng ngừa sốt xuất huyết là một việc làm cần thiết, nhất là những thời điểm dịch bệnh bùng phát. 

– Diệt muỗi, bọ gậy loăng quăng để tránh muỗi đốt gây bệnh bằng cách sử dụng bình xịt muỗi, phun thuốc chống muỗi…

– Đậy nắp các vật dụng chứa nước, hạn chế ao tù nước đọng để muỗi không thể sinh sôi, đẻ trứng

– Phát quang bụi rậm 

– Giữ gìn nhà cửa, nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh thường xuyên

– Buông màn khi ngủ cả ngày lẫn đêm để tránh muỗi đốt

– Cho người sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh để muỗi đốt người bệnh là lây truyền cho người khác. 

Phòng tránh sốt xuất huyết
Phòng tránh sốt xuất huyết là việc làm cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh

Sốt xuất huyết là dịch bệnh hàng năm với hàng ngàn người mắc bệnh và rất nhiều trong số đó tử vong. Hiểu được sốt xuất huyết lây qua đường nào, cách phòng bệnh, các triệu chứng và cách điều trị sẽ giúp bảo vệ bạn và gia đình khỏi căn bệnh nguy hiểm này. 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *